Vụ án Hồ Duy Hải là một vụ án hình sự ở Việt Nam xảy ra vào tối ngày 13 tháng 1 năm 2008 tại Bưu Điện Cầu Voi, ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Trong đó, hai nữ nhân viên bưu điện tên là Nguyễn Thị Ánh Hồng (sinh năm 1985) và Nguyễn Thị Thu Vân (sinh năm 1987) bị giết bằng cách cắt cổ. Ngày 21 tháng 3 năm 2008, nghi phạm Hồ Duy Hải sinh năm 1985 bị bắt.[1] Qua hai lần xét xử sơ thẩm (năm 2008 tại Tòa án nhân dân tỉnh Long An) và phúc thẩm (năm 2009 tại Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh), Hồ Duy Hải bị kết án tử hình về tội giết người, 5 năm tù về tội cướp tài sản, tổng hợp hình phạt là tử hình. Tuy nhiên, gia đình Hồ Duy Hải liên tục kêu oan. Năm 2011, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình quyết định không kháng nghị vụ án. Năm 2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bác đơn xin ân xá của Hồ Duy Hải. Sau đó, trước phản đối của dư luận trong nước và quốc tế cũng như Quốc hội Việt Nam, năm 2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ra lệnh tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải, việc chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Tòa án nhân dân tối cao.[2]
Vụ án Hồ Duy Hải là một vụ án hình sự ở Việt Nam xảy ra vào tối ngày 13 tháng 1 năm 2008 tại Bưu Điện Cầu Voi, ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Trong đó, hai nữ nhân viên bưu điện tên là Nguyễn Thị Ánh Hồng (sinh năm 1985) và Nguyễn Thị Thu Vân (sinh năm 1987) bị giết bằng cách cắt cổ. Ngày 21 tháng 3 năm 2008, nghi phạm Hồ Duy Hải sinh năm 1985 bị bắt.[1] Qua hai lần xét xử sơ thẩm (năm 2008 tại Tòa án nhân dân tỉnh Long An) và phúc thẩm (năm 2009 tại Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh), Hồ Duy Hải bị kết án tử hình về tội giết người, 5 năm tù về tội cướp tài sản, tổng hợp hình phạt là tử hình. Tuy nhiên, gia đình Hồ Duy Hải liên tục kêu oan. Năm 2011, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình quyết định không kháng nghị vụ án. Năm 2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bác đơn xin ân xá của Hồ Duy Hải. Sau đó, trước phản đối của dư luận trong nước và quốc tế cũng như Quốc hội Việt Nam, năm 2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ra lệnh tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải, việc chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Tòa án nhân dân tối cao.[2]
Kháng nghị giám đốc thẩm cho rằng, khám nghiệm hiện trường kết thúc hồi 13 giờ 10 phút ngày 14/01/2008; khám nghiệm tử thi Vân bắt đầu hồi 11 giờ 40 phút, khám nghiệm tử thi Hồng bắt đầu hồi 12 giờ 10 phút, đều do Điều tra viên Lê Thành Trung thực hiện là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng vì cùng một người, cùng một lúc vừa thực hiện khám nghiệm hiện trường vừa thực hiện khám nghiệm hai tử thi.
Về vấn đề này, tại phiên tòa giám đốc thẩm, Cơ quan điều tra đã trình bày, việc khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi là cùng địa điểm tại Bưu điện Cầu Voi; khi khám nghiệm tử thi Hồng và tử thi Vân thì ngoài Điều tra viên Lê Thành Trung còn có Điều tra viên Nguyễn Văn Minh tham gia.
Tài liệu có trong hồ sơ vụ án cũng thể hiện: khám nghiệm hiện trường bắt đầu hồi 08 giờ 10 phút, kết thúc hồi 13 giờ 10 phút ngày 14/01/2008, thành phần tham gia khám nghiệm ngoài Điều tra viên Lê Thành Trung còn có các cán bộ khác của Phòng kỹ thuật hình sự; khám nghiệm tử thi Vân bắt đầu hồi 11 giờ 40 phút, kết thúc hồi 12 giờ 10 phút ngày 14/01/2008; khám nghiệm tử thi Hồng bắt đầu hồi 12 giờ 10 phút, kết thúc hồi 13 giờ ngày 14/01/2008, đều được tiến hành tại Bưu điện Cầu Voi. Về thành phần khám nghiệm tử thi thì ngoài hai Điều tra viên Lê Thành Trung, Nguyễn Văn Minh còn có các bác sỹ pháp y của Phòng giám định pháp y Long An thực hiện. Như vậy, việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi Vân và Hồng đều cùng một địa điểm, đúng thành phần, nên đây không phải vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng như kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nêu.
Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nêu: bản án kết luận Hải có mặt tại hiện trường vào khoảng 19 giờ 30 là không có căn cứ và Hải không thể có mặt tại Bưu điện Cầu Voi trước 19 giờ 39 phút 22 giây.
Theo lời khai của anh Hồ Văn Bình thì anh đến Bưu điện Cầu Voi gửi xe “lúc đó đã hơn 19 giờ”, thấy một thanh niên ngồi trên ghế salon nói chuyện với chị Hồng, khoảng ngoài 19 giờ 30 phút, anh Bình đến lấy xe vẫn thấy chị Hồng và người thanh niên đó ngồi nói chuyện (Bl 256). Anh Đinh Vũ Thường khai, anh đến Bưu điện Cầu Voi gọi điện thoại “lúc đó khoảng 20 giờ trở lại”, nhìn thấy một thanh niên ngồi phía trong bưu điện (Bl 250); kết quả kiểm tra list điện thoại Bưu điện Cầu Voi cho thấy anh Thường thực hiện cuộc gọi điện thoại vào lúc 19 giờ 39 phút 22 giây. Căn cứ Biên bản kiểm tra thời gian ngày 14/7/2008 (Bl 131) có sự tham gia của Kiểm sát viên và người chứng kiến là ông Nguyễn Văn Thu thì đoạn đường từ tiệm cầm đồ Kim Hưng đến Bưu điện Cầu Voi (theo cung đường Hải khai) là 7,5km và đi hết thời gian là 15 phút.
Do đó, nếu tính thời gian từ lúc 19 giờ 13 phút 39 giây, Hải nhận được điện thoại của anh Võ Lộc Đang (Hải khai nói chuyện với anh Đang khoảng 30 giây – Bl 94) với thời gian làm thủ tục cầm đồ (Hải khai làm thủ tục cầm đồ khoảng 05 phút – Bl 94, Bl 95B) và thời gian từ hiệu cầm đồ qua các cung đường như Hải mô tả hết 15 phút thì thời gian Hải có mặt tại Bưu điện Cầu Voi khoảng 19 giờ 34 phút 09 giây. Điều này phù hợp với lời khai của Hải khai, khi đến bưu điện khoảng trên 19 giờ 30 phút (Bl 97) và phù hợp với lời khai của anh Bình và anh Thường là nhìn thấy 01 thanh niên ngồi trên ghế salon ở Bưu điện Cầu Voi. Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng trả lời, việc xác định thời gian Hải có mặt tại hiện trường (như cách tính trong kháng nghị) chỉ mang tính ước lượng chứ không có căn cứ khoa học. Vì vậy, các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm, phúc thẩm kết luận Hồ Duy Hải có mặt tại Bưu điện Cầu Voi khoảng 19 giờ 30 phút là có cơ sở. Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, Hồ Duy Hải không thể có mặt tại Bưu Điện Cầu Voi trước 19 giờ 39 phút 22 giây là không có căn cứ.
Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nêu: nội dung lời khai của Hồ Duy Hải mâu thuẫn với nhau và mâu thuẫn với kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi nhưng chưa được điều tra, thẩm vấn làm rõ tại phiên toà, cụ thể:
Mâu thuẫn về hành vi tấn công nạn nhân: các lời khai ban đầu Hải khai, “lấy dao ở kệ gần cửa chạy theo Hồng, dùng tay phải nắm đầu Hồng đập mạnh vùng mặt vào lavabo rửa mặt khoảng 3 cái, dùng dao để cắt đứt cổ” (Bl 82); có lời khai “sau khi đập đầu Hồng vào lavabo, Hải đi vào nhà lấy con dao ở bàn quay lại nhà tắm, cắt cổ chị Hồng” (Bl 86); sau đó lại khai “Hải đập phần mặt và trán chị Hồng vào lavabo, Hải kéo chị Hồng vào chân cầu thang lấy cái thớt đập mạnh vào vùng đầu rồi dùng dao cắt cổ chị Hồng” (Bl 88, 93, 99); các lời khai sau “Hải đuổi theo xô chị Hồng ngã ngửa dưới nền gầm cầu thang, dùng tay phải đánh vào mặt Hồng nhiều cái, lấy cái thớt cầm hai tay đập lên vùng đầu, mặt của Hồng hai cái, lấy con dao cắt cổ Hồng qua lại 2 cái”(Bl 100, 116)… Mâu thuẫn về hành vi hiếp dâm chị Hồng: ban đầu Hải khai, “định quan hệ tình dục nhưng chị Hồng phản ứng, bỏ xuống nhà vệ sinh” (Bl 82); nhiều lời sau khai “Hải khống chế chị Hồng, dùng hai tay bóp cổ chị Hồng, cởi hết quần áo của Hồng, giao cấu với Hồng xong Hải xuất tinh vào vạt áo của mình, cả hai mặc lại quần áo” (Bl 89); sau đó lại khai “khống chế chị Hồng chưa làm được gì thì bị chị Hồng đạp vào bụng bật ra, Hồng bật dậy chạy ra ngoài” (Bl 101)…
Xét thấy, trong quá trình điều tra, Hồ Duy Hải có một số lời khai có nội dung mâu thuẫn như viện dẫn của kháng nghị giám đốc thẩm, điều này phù hợp diễn biến tâm lý tội phạm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thể hiện các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm không mớm cung, ép cung đối với bị cáo. Tại các bản tự khai ngày 05/7/2008 (Bl 112-114) và ngày 14/8/2008 (Bl 102-103); các biên bản hỏi cung ngày 07/7/2008 (Bl 100-101) và ngày 11/7/2008 (Bl 116-121) đều có sự tham gia của Kiểm sát viên và Luật sư, Hồ Duy Hải khai: “tôi là thủ phạm gây ra cái chết cho nạn nhân Hồng và Vân, nhưng quá trình khai báo do tư tưởng chưa ổn định thấy mức án cao sợ bị xử sớm không còn thời gian sống lâu gặp gia đình nên cố tình khai thiếu một số tình tiết và khai thêm một số tình tiết để kéo dài điều tra, cụ thể là: tôi khai thêm đập đầu nạn nhân Hồng ngoài labô nước nhà vệ sinh còn thực tế đúng là tôi đập bằng thớt trong chân cầu thang; khai thêm hiếp dâm Hồng trong phòng ngủ rồi cho xuất tinh ra ngoài, sự thật là tôi không hiếp dâm; khai thêm đập đầu Vân tại chân cầu thang mà đập trên phòng khách là đúng…; thật ra tôi không có hành vi hiếp dâm mà chỉ có ý định quan hệ với Hồng khi ngồi nói chuyện sờ sẩm qua lại Hồng không phản ứng nên tôi điều Vân đi mua trái cây để quan hệ với Hồng. Hồng không cho nên tôi nóng tấn công Hồng và giết Hồng, ban đầu thỏa mãn tức giận dục vọng, sau đó mới nảy sinh ý định cướp, còn Vân tôi giết là vì sợ Vân phát hiện tố giác”. Các lời khai sau đó, Hải vẫn thừa nhận dùng dao cắt cổ chị Hồng, chị Vân; dùng thớt đập đầu chị Hồng, dùng ghế đập đầu chị Vân làm chị Hồng, chị Vân bị chết và không có hành vi hiếp dâm chị Hồng.
Lời khai của Hải phù hợp với Biên bản khám nghiệm hiện trường, Bản ảnh hiện trường, kết quả giám định như: Hải khai dùng thớt đập vào đầu chị Hồng thì tại Bản ảnh hiện trường có chiếc thớt để cạnh đầu chị Hồng, cái thớt có dính máu; Hải khai không đập đầu chị Hồng vào lavabo tại nhà vệ sinh là phù hợp với kết quả khám nghiệm không thể hiện các dấu vết của việc đập đầu trên lavabo; Hải khai không có hành vi hiếp dâm chị Hồng, phù hợp với Biên bản giám định pháp y về dịch trong âm hộ chị Hồng không có tinh trùng; Hải khai có ý định quan hệ với chị Hồng khi ngồi nói chuyện, sờ sẩm qua lại chị Hồng, chị Hồng không phản ứng, phù hợp với Biên bản giám định pháp y đối với chị Hồng “có ít dịch nhầy trong âm đạo”. Những tình tiết này chỉ có những người trực tiếp thực hiện hành vi mới biết, Cơ quan điều tra không thể biết được. Điều này, một lần nữa khẳng định Hải có mặt tại hiện trường.
Mặc dù, Hải có một số lời khai mâu thuẫn trên nhưng những mâu thuẫn này đã được Hải lý giải cụ thể, phù hợp với các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án và các cơ quan tiến hành tố tụng đã làm rõ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử nên không cần thiết phải hủy bản án để điều tra lại.