Đoạn văn mẫu miêu tả quê hương bằng tiếng Trung
Đoạn văn mẫu miêu tả quê hương bằng tiếng Trung
Quê hương em là một ngôi làng nhỏ phía dưới chân núi. Nơi đây cuộc sống bình dị, con người chất phác, thật thà. Dù đi xa đến đâu, em vẫn luôn nhớ mãi từng khung cảnh ở quê hương mình. Nhưng nhớ nhất, chính là những buổi hoàng hôn của những ngày mùa đông.
Vào những chiều đông giá rét, chỉ tầm năm giờ chiều là trời bắt đầu tối lại, hoàng hôn buông dần xuống. Từ trên cao, ông mặt trời từ từ lùi về ngôi nhà nhỏ ở phía cuối chân trời. Bác đi xuống đến đâu, đất trời tối lại đến đó. Thoạt đầu là một sắc đỏ rực bao trùm lên mọi vật, khiến đất trời trở nên nhá nhem. Cũng là màu đỏ như lúc bình minh. Nhưng tông đỏ của buổi hoàng hôn như trầm lặng và nặng nề hơn rất nhiều. Những cơn gió theo đó bỗng chốc thổi nhanh và mạnh hơn, quét từng cơn rét buốt. Trời về tối, nên càng thêm lạnh lẽo. Hàng tre đan thành bụi thành đàn, oằn mình chống lại gió rét. Trên bầu trời vắng tanh, bởi đàn chim đàn vội kéo nhau về tổ trước khi đêm đen sụp xuống. Tiếng dế, tiếng chim im phăng phắc. Cả không gian chỉ còn tiếng xào xạc của lá cây.
Trên những con đường xi măng trong làng, các bóng đèn đường vàng cam ấm áp dần bật sáng lên. Lúc này, trời đã gần tối hẳn, chỉ còn thấy những vùng sáng tờ mờ trên nền trời sẫm xịt. Cây cối cũng chỉ còn là những hình khối đen nhẻm mà thôi. Và sương đêm cũng dần dần ướp xuống, rải đều lên mặt đường, lên mái nhà, lên ngọn cây. Những ngôi nhà gạch mái đỏ nhỏ bé, dần sáng đèn và đỏ lửa. Mọi người sung sướng ngồi cạnh nhau, sẻ chia cho nhau những ấm áp. Rủ rỉ cho nhau nghe những chuyện của ngày dài. Bên đống lửa, chú mèo mướp nằm ngủ gà ngủ gật. Góc cạnh đó, con chó mực cũng cuộn mình ngủ say. Ngoài đường, lác đác vài người đi làm về muộn, cúi gằm lao nhanh để mong sớm về nhà. Họ chạy vụt qua, để lại những vệt sáng trong đêm. Và rồi, trời tối hẳn, đất trời lạnh lẽo, yên ắng, chỉ còn tiếng lá rít gào, tiếng lá khô xào xạc. Tất cả mọi người đều đã yên vị trong mái ấm của mình. Thế là trời đã về đêm.
Khung cảnh hoàng hôn của làng quê vào những ngày đông, đem đến cho em những cảm giác thật đặc biệt. Là rét, là tối đấy. Nhưng chính nhờ đó, cảm giác hạnh phúc khi được ôm chú mèo nhỏ, tựa vào lưng cha xem mẹ nấu cơm trong bếp mới càng thêm ấm áp. Những sung sướng mộc mạc, giản dị ấy chỉ có những buổi hoàng hôn mới đem về được.
"Quê hương là đường đi họcCon về rợp bướm vàng bay…"
Đối với em cũng thế! Con đường đi học gần gũi, thân thiết với em như bầu bạn. Nó là một hình ảnh của quê hương đang đắm sâu và ngân vọng trong em.
Con đường phố mang tên đường Nguyễn Đình Chiểu. Lòng đường tuy hẹp nhưng đẹp lắm. Hai bên đường có hàng me xanh che mát. Buổi sáng, những cành me thả lá úa xuống mặt đường. Con đường nhựa láng bóng, đen sẫm, ở giữa có vạch sơn trắng chia hai phần đường cho xe chạy ngược chiều nhau. Xe máy, xe đạp tấp nập trên đường. Tiếng còi píp píp liên hồi. Các cô bán hàng rong kĩu kịt những quang gánh đầy ắp rau quả. Chúng em tung tăng cắp sách đến trường. Ai cũng hối hả trên đường phố. Trên cây sấu già ven đường, những chú chim nhảy nhót, chuyền cành. Tiếng chim không ngớt vọng ra, vang cả trên bầu trời xanh thẳm. Mặt Trời trên cao, đường thưa người hơn. Những ngôi nhà cao tầng nhìn ra đường với vẻ nguy nga, tráng lệ. Các cửa hàng, cửa hiệu mở cửa đón khách. Ánh nắng óng ả rải xuống mặt đường. Con đường ánh lên, bóng loáng như dải lụa. Một làn gió nhẹ thổi qua, những lá me lìa cành rơi lả tả, rơi trên vai áo người qua đường như lưu luyến. Hoa sữa trên cả vỉa hè ngan ngát hương đưa. Hoa đậu từng chùm tím biếc, rủ xuống lề đường như muốn nói một điều: con đường này đẹp lắm! Những buổi chiều hay những đêm tối mùa hè ngồi ở đây thì thật là thú vị. Em nhớ từng nụ hoa, từng viên gạch trên lề đường, từng gốc me già thân thiết. Con đường này không chỉ là bạn của riêng em, nó còn là bạn thân của những chị lao công.
Đêm đêm, trên con đường này, dù là mùa hè hay mùa đông giá rét, tiếng chổi tre luôn xao xác dưới hàng me. Nhà nhà đã ngủ say nhưng vẫn có tiếng chổi tre sột soạt trên đường. Những lúc ấy, con đường mới vắng vẻ và đẹp làm sao!
Con đường quê hương quá thân quen với em. Từ lâu, đường và em như đôi bạn. Đường đã nâng bước em đi, giúp em thực hiện ước mơ hoài bão của riêng mình.
Về với Bến Tre quê em, ai ai cũng thích thú trước vẻ đẹp của những con rạch nhỏ ở Cồn Phụng. Tuy chẳng có tên gọi cụ thể nào, nhưng những ai yêu mến vẻ đẹp bình dị, mộc mạc của miền sông nước, thì ắt sẽ biết đến cảnh đẹp này.
Những con rạch ở Cồn Phụng trải dài len lỏi khắp nơi. Chúng bò ngoằn ngoèo, lổm cổm như những con trăn lớn. Rạch này là do ông trời làm nên. Mà ông cũng thật khéo tay, làm cho các con rạch lan tỏa tựa như một mạch máu đang đưa nước đi nuôi sống cả vùng Cồn Phụng. Các con rạch chẳng rộng được như sông, bề ngang áng chừng đôi ba mét. Nước rạch là nước dẫn về từ sông Cửu Long, nên đặc một màu phù sa màu mỡ. Tuy không rộng, nhưng rạch lại có nhiều chỗ khá sâu. Nên phương tiện di chuyển thích hợp nhất ở đây chính là thuyền, ghe nhỏ. Điều tạo nên sự hấp dẫn tuyệt vời cho các con rạch, chính là khung cảnh hai bên bờ của nó.
Rạch ở Cồn Phụng mang danh là rạch của Bến Tre, nên chẳng có gì lạ khi hai bên bờ rạch trồng toàn dừa. Nhưng những cây dừa ở đây ngộ lắm. Vì chúng chẳng phải dừa cạn, mà là dừa nước cơ. Cây dừa mọc lấp xấp ven rạch, gốc và thân nằm hẳn trong nước. Những cành lá thì to và dài, chẳng thua kém gì họ hàng dừa cạn. Các cây dừa mọc sát nhau, cành lá xuề xòe, bon chen ra tận giữa rạch. Chúng tạo thành một cái mái vòm màu xanh lá, che trên mặt nước. Nhờ vậy, khi ngồi thuyền con xuôi theo rạch, sẽ có cảm giác như đang lạc vào một thế giới khác - thế giới của màu xanh, của dừa nước. Chẳng phải mỗi rạch ở Cồn Phụng mới có dừa nước. Nhưng chỉ có nơi đây dừa nước mới khỏe, mới dày, mới đông đúc như vậy. Và cũng chỉ ở nơi đây, dừa nước mới chịu khó dựng vòm che nắng chắn mưa cho con rạch như thế. Cảm giác ngồi trên cái thuyền con xuôi theo dòng nước, trên đầu là mái lá dừa xanh. Kết hợp với tiếng mái chèo khua nước lõng bõng và tiếng lá dừa rì rào, tiếng chim kêu lích rích. Thì đúng là thư giãn vô cùng. Đó chính là cái thú miệt vườn mà bao lâu nay người ta vẫn kể khi nhắc đến miền Tây sông nước.
Mỗi năm, có rất nhiều du khách đến lần đầu và trở lại thăm những con rạch ở Cồn Phụng. Em rất vui và tự hào về điều đó. Bởi vẻ đẹp của quê hương em đã được bà con ở khắp nơi ghi nhận, yêu mến.
Quê hương em có rất nhiều cảnh đẹp. Đó là con sông hiền hoà, cánh đồng thẳng cánh cò bay… Nhưng thân thuộc với em nhất có lẽ là con đường quen thuộc từ nhà đến trường.
Con đường tới trường là một con đường nhỏ được rải đá. Hai bên đường là hai hàng cây xanh mát. Buổi sáng con đường rộn rã hẳn lên. Hình như tất cả lũ trẻ trong xóm em đều có mặt trên đường. Chúng chia thành những nhóm nhỏ tung tăng đến trường. Tiếng nói chuyện ríu rít xen lẫn tiếng cười vui vẻ làm con đường thêm rộn rã, tươi vui.
Buổi trưa, đường lạnh lùng ít được hỏi han. Lúc ấy, con đường yên lặng như chìm trong giấc ngủ. Hai hàng cây đứng quạt cho con đường càng thêm yên giấc. Trên cành, mấy chú chim sâu đang chuyền cành để bắt những gã sâu phá hoại cây, làm cho hàng cây thêm tốt tươi. Những tia nắng li ti rải xuống mặt đường trông như dát bạc. Những mái nhà nằm thấp thoáng dưới bóng cây thưa. Từ mái nhà nào vọng ra tiếng ru em trầm bổng. Tiếng võng đưa kẽo kẹt giữa buổi trưa hè làm cho con đường làng càng thêm vẻ yên tĩnh lạ lùng. Những đoạn đường bằng phẳng hay mấp mô, gập ghềnh em đều thuộc như lòng bàn tay. Chẳng có ngày nào lũ trẻ chúng em không đặt bàn chân nhỏ bé của mình lên con đường thân thuộc ấy. Bởi vậy mà con đường trở thành một người bạn thân thiết với em.
Con đường tới trường đã khắc sâu vào trong tâm trí em. Mỗi buổi đến trường, con đường đã để lại trong em bao kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi học trò. Mai ngày lớn lên em cũng không thể quên hình ảnh con đường thân yêu.
Cha mẹ em đều là người gốc Bắc, thế nhưng đã chuyển vào miền Nam sinh sống từ khi em còn chưa ra đời, thế nên em may mắn được sinh ra và lớn lên ở miền đất đầy nắng và gió Tây Nguyên. Mảnh đất này đã gắn bó và để lại trong trái tim em nhiều kỷ niệm.
Cha mẹ em lập nghiệp ở Đắk Nông, vốn là một tỉnh mới tách ra từ Đắk Lắk. Nơi đây đặc trưng với những mảnh đất ba-dan màu mỡ, những cơn gió mùa thổi lồng lộng cùng những cơn mưa tầm tã dầm dề vào những ngày tháng 6, 7. Còn vào mùa nắng thì là cái nắng gay gắt, tuy không quá khắc nghiệt như nắng hè của miền Bắc, nhưng cũng đủ khiến người ta nhớ mãi ánh mặt trời rực rỡ cùng bầu trời xanh cao vời vợi. Nhà em là một gia đình thuần nông, chúng em sống trong bạt ngàn những rẫy cà phê xanh ngắt rộng lớn, những vườn điều tỏa tán xum xuê, những rừng cao su rợp bóng, mát rượi và cả những vườn tiêu mà trụ nào nào trụ nấy cũng sai trĩu quả. Em thích nhất là mùa hoa cà phê nở, tầm khoảng tháng 1, 2, khắp nơi đều mang một màu trắng xóa. Những chùm hoa cà bung nở dày đặc trên từng tán lá, tựa như những chùm bông xinh xắn. Hoa cà phê là thứ hoa bình dị, dân dã, màu trắng mang đến cho nó vẻ thanh khiết, còn hương thơm thoang thoảng lại mang đến vẻ dịu dàng. Có đôi lúc em đã nghĩ rằng nếu nói đến vẻ đẹp của người con gái Tây Nguyên thì hình ảnh và hương sắc của hoa cà phê là một ví dụ khá độc đáo và thú vị.
Em yêu mảnh đất Tây Nguyên này như chính quê cha đất tổ của mình vậy. Tình cảm đó thậm chí còn gắn bó tha thiết, sâu nặng không thể quên trong tâm hồn em. Dẫu sau này có đi xa, em cũng luôn nhớ về cái nắng, cái gió và cả cái hương thơm ngọt dịu của hoa cà phê.
Người dân Lệ Thủy quê em ai ai cũng biết, cũng yêu, cũng quý dòng sông Kiến Giang. Bởi dòng sông này không chỉ mang nặng ý nghĩa lịch sử, kinh tế mà còn gắn liền với quá trình sinh sống và phát triển của bà con nơi đây.
Dòng sông Kiến Giang dài 58km, đi qua khắp các nẻo đường của huyện Lệ Thủy. Hầu như dù ở xóm nào, thôn nào cũng có thể nhanh chóng tìm ra các ngả sông Kiến Giang. Suốt cả năm trời, dù vào những ngày hè nóng như thiêu như đốt, nước sông vẫn xanh ngắt và đầy ăm ắp như lòng mẹ. Nhìn từ trên cao, nước sông trông hơi đục, bởi trong nước chứa đựng rất nhiều phù sa màu mỡ. Sông khá sâu, lòng sông là lớp bùn sình lắng đọng lại, nên có rất nhiều tôm cá, ốc hến sinh sống. Nước sông chảy hiền hòa, từ tốn nên không gây nhiều nguy hiểm cho bà con xung quanh. Hai bên bờ sông có nơi là những cánh rừng trù phú, có nơi là những thôn xóm đầm ấm, có nơi lại là khu vườn, cánh đồng tươi tốt. Đâu đâu cũng có công sức của dòng sông Kiến Giang. Sông không chỉ làm mát đất liền, cung cấp nước để tưới tiêu, giặt giũ. Mà còn cung cấp cho bà con một nguồn thủy sản tươi ngon, phong phú và dồi dào. Cuộc sống lao động của bà con Lệ Thủy gắn liền với dòng sông này, bởi vậy con sông đã đi vào những điệu hò khoan lâu đời nhất ở nơi đây. Ngoài ra, dòng sông cũng là con đường di chuyển giữa các thôn, xã trên địa bàn huyện, giúp giảm bớt thời gian di chuyển. Vào mùa lũ, dòng sông cũng góp sức giúp bà con đưa nước đổ ra biển lớn, giảm áp lực cho mặt đất.
Có thể nói, sông Kiến Giang có vai trò vô cùng quan trọng đối với bà con Lệ Thủy. Vẻ đẹp của con sông ấy là vẻ đẹp của sự bình yên và hạnh phúc, ấm no.